CÂU CHUYỆN CÂY BÚT LÀ GÌ? TẠI SAO PHẢI HỌC CÂU CHUYỆN CÂY BÚT?

Câu chuyện Cây bút có nội dung vô cùng ý nghĩa cho sự thành công trong công việc và cuộc sống của chúng ta. Có thể nói đây là công cụ cuộc sống quan trọng nhất trong tất cả các cấp độ DCI. Bởi vì nếu bạn hiểu rõ chuyện cây bút thì bạn có thể đạt được cả 5 mục tiêu cuộc đời một cách thành công và hạnh phúc viên mãn.

Vậy chúng ta hãy bắt đầu nào! Hãy hình dung chúng ta đang trong một căn phòng.

– Bước 1: Tôi đưa Cây Bút lên trước mặt bạn và hỏi bạn “Vật này là gì?” và bạn trả lời “Đó là một Cây Bút”.

– Bước 2: “Nếu bây giờ có một con Chó con chạy đến. Tôi đưa Cây Bút này ra trước mặt nó. Nó sẽ làm gì với Cây Bút?” “Tôi đoán nó sẽ cắn Cây Bút”.

– Bước 3: “Vậy con chó có thấy vật này là Cây Bút không?” “Không!. Tôi nghĩ nó thấy vật này là thứ để gặm hay đồ chơi”

– Bước 4: “Ai đúng? Con người đúng hay con chó?” “Tôi đoán cả hai đều đúng”.

=> Kết luận 01: TÔN TRỌNG THẾ GIỚI QUAN CỦA NGƯỜI KHÁC. Chúng ta hãy tôn trọng quan điểm của người khác, không đánh giá, phán xét, mọi việc phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi đối tượng nhìn vào.

– Bước 5: “Giả dụ tôi đặt cây Bút ở đây. Tất cả mọi người rời khỏi phòng và tất cả chó cũng rời khỏi phòng, căn phòng trống không. Bấy giờ, TẠI THỜI ĐIỂM ĐÓ vật này là gì?” “Nó không là gì cả HAY trung tính – trống rỗng, trống không”

=> Kết luận 02: MỌI SỰ VIỆC, SỰ VẬT ĐỀU CÓ TÍNH KHÔNG hay TRỐNG RỖNG hay TIỀM NĂNG

– Bước 6: “Điều gì xảy ra nếu con người trở lại căn phòng trước và nhìn thấy vật đó trước?” “Đồ vật ấy lại trở thành một Cây Bút”

– Bước 7: “Vậy điều gì xảy ra nếu con chó trở lại căn phòng trước và nhìn thấy vật đó trước?” “Nó lại trở thành một đồ chơi để gặm”

– Bước 8: “Vậy điều gì xảy ra nếu cả hai, con người và con chó cùng nhau trở lại căn phòng cùng một lúc và cùng nhìn thấy vật đó?”

“Đồ vật ấy lại trở thành là cả hai – vừa là một Cây Bút và vừa là một đồ chơi để gặm”

– Bước 9: Trong trường hợp này chúng ta có thể nói có hai thực thể đang xảy ra cùng lúc trong căn phòng này. Hai thực thể này đang thể hiện song song, trong một căn phòng.

– Bước 10: “Vậy nếu Cây Bút chỉ trở thành một Cây Bút khi con người quay trở lại căn phòng, thì cây bút xuất phát từ cây bút, hay cây bút xuất phát từ con người, từ tâm thức của con người?”

– Bước 11: Nếu ta suy nghĩ cẩn thận, thì nó hoàn toàn rõ ràng: MỌI SỰ VIỆC ĐỀU XUẤT PHÁT TỪ CHÍNH TÂM THỨC HAY TÂM TRÍ CỦA CHÚNG TA.

=> Kết luận 03: MỌI VIỆC XUẤT PHÁT TỪ MÌNH, từ tâm thức của mình. Bạn thấy đó trong cuộc sống việc nhìn thấy cơ hội, thách thức, khó khăn, thuận lợi đều đến từ chúng ta, chúng ta là chủ thể nên điều đó từ những suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình. Bạn hãy chịu trách nhiệm 100% về chính cuộc sống của mình, chúng ta hãy dừng than phiền đổi lỗi, trách móc cho ngoại cảnh mà hãy dũng cảm chịu trách nhiệm 100% về chính mình, về cuộc đời của mình.

– Bước 12: Nếu Cây Bút xuất phát từ tâm thức của tôi thì tôi có thể nhắm mặt lại và ước nó trở thành một viên kim cương chẳng hạn.

– Bước 13: Bạn nhắm mắt lại và ước muốn: “Nếu vật này xuất phát từ tôi, thì tôi sẽ chọn nó là một viên kim cương!”. Khi bạn mở mắt ra, Cây Bút vẫn là Cây Bút mà không có viên kim cương nào xuất hiện cả.

=> Kết luận 04: Chúng ta KHÔNG THỂ THAY ĐỔI SỰ VIỆC BẰNG MONG MUỐN hay suy nghĩ tích cực được.

– Bước 14: Cây Bút phát xuất từ tôi. Nhưng điều ấy không có nghĩa là tôi có thể chuyển Cây Bút ấy thành bất cứ thứ gì tôi muốn bằng mong ước, ngay trong hiện tại.

– Bước 15: Bên trong tâm thức chúng ta có hàng triệu hạt giống. Nếu tôi có một hạt giống bút trong tâm thức, thì khi một người rút cây bút ra và đưa lên trước mặt bạn, cái hạt bút bung nở. Và tôi trải nghiệm nó trông giống như một Cây Bút.

– Bước 16: Điều này nhanh đến nỗi, mọi người – theo bản năng – thấy rằng những người, những việc mà họ gặp phát xuất từ phía ngoài, từ phía những người, sự việc ở bên ngoài ấy hơn là từ chính tâm thức của họ.

– Bước 17: Dù các sự vật phát xuất từ tâm thức của chúng ta nhưng chúng cũng rất thật. Các hạt giống tâm thức tạo mọi thứ chung quanh ta một cách linh động.

– Bước 18: Chúng ta không thể mong cầu các sự vật xuất hiện, nhưng chúng ta có thể gieo trồng để các sự vật xuất hiện và tạo ra thế giới quanh ta.

=> Kết luận 05: Chúng ta có thể THAY ĐỔI THẾ GIỚI Bằng cách GIEO TRỒNG HẠT GIỐNG NGHIỆP TRONG TÂM THỨC KHI ÁP DỤNG 4 BƯỚC GIEO HẠT

TẠI SAO PHẢI HỌC CÂU CHUYỆN CÂY BÚT?

Có mặt xuyên suốt trong tất cả các cấp độ của chương trình học Năng Đoạn Kim Cương, Câu chuyện cây bút tưởng chừng đơn giản mà hàm chứa những triết lý sâu sắc.

Thông thường, mỗi người trong chúng ta đều có 5 mục tiêu cuộc đời để phấn đấu, đó là:

  1. Sự tự do tài chính

  2. Mối quan hệ hoàn hảo

  3. Sức khỏe tốt

  4. Sự bình an trong tâm hồn

  5. Sự cống hiến cho cộng đồng và xã hội

Vậy tại sao chúng ta cần phải học Câu chuyện Cây bút? Bởi vì nếu hiểu rõ Câu chuyện Cây bút thì bạn có thể đạt được cả 5 mục tiêu trong cuộc sống hoặc được bất cứ thứ gì bạn muốn có trong đời. Với mỗi lần đọc, có thể bạn sẽ “ngộ” ra được những bài học khác nhau trong đó. Bởi vậy mà, bên lớp học Năng Đoạn Kim Cương với mỗi cấp độ đều có câu chuyện này, nhưng với những cấp độ cao hơn, bạn lại nhận được bài học nhiều hơn so với những lần học trước, dù là cùng một câu chuyện.

Thậm chí, thầy Michael Roach, người dạy Năng Đoạn Kim Cương còn nói, để hiểu rõ chuyện cây bút, bạn phải kể trực tiếp hoặc nghe người khác kể về nó tối thiểu 3.000 lần.

4 BÀI HỌC QUÝ GIÁ TRONG CÂU CHUYỆN CÂY BÚT

BÀI HỌC 1: TÔN TRỌNG THẾ GIỚI QUAN CỦA NGƯỜI KHÁC

Bởi chúng ta sống trong những môi trường khác nhau, trải qua những biến cố khác nhau, có những trải nghiệm riêng khác nhau, vậy nên sẽ có những phản ứng khác nhau với cùng một sự vật, sự việc. Giống như con người nhìn ra cây bút, nhưng với chú chó thì nó chỉ là một đồ để nhai, ai cũng đúng với góc nhìn quan điểm của chính mình. Cũng như cùng nhìn vào một con người, có người thấy anh ấy là một người tốt, có người lại thấy anh ấy không tốt vậy.

Tuy nhiên, khi đã có một quy ước, ví dụ luật pháp hoặc các chuẩn mực đạo đức xã hội, nội quy, quy chế, hay thỏa thuận …, nếu chúng ta làm sai với quy ước đó thì đó là điều không đúng.

BÀI HỌC 2: TÍNH “KHÔNG” CỦA SỰ VẬT, SỰ VIỆC.

Rõ ràng, nếu không có chủ thể, cây bút trong câu chuyện trên “không là gì cả”, nó là chính nó. Cây bút có tiềm năng là bất cứ thứ gì tùy thuộc vào chủ thể của nó.

Cũng như vậy, mọi thứ đến với ta trong cuộc đời này, đem lại cho ta những cảm xúc khác nhau: yêu, ghét, giận, thương,…. không phải do tự bản thân nó, mà do chúng ta tự đặt cảm xúc của mình vào nó.

Khi hiểu rằng mọi thứ đều có “tính không”, đều do chúng ta tự định nghĩa nó trong đầu mình, chúng ta sẽ kiểm soát được cảm xúc của mình tốt hơn, cuộc sống sẽ bình an hơn rất nhiều.

BÀI HỌC 3: MỌI THỨ ĐỀU XUẤT PHÁT TỪ TÂM TRÍ CHÚNG TA

Cây bút trong câu chuyện trên chỉ trở thành “cây bút” khi con người quay trở lại căn phòng, vậy thì định nghĩa “cây bút” xuất phát từ tâm trí của chúng ta. Nếu cây bút không xuất phát từ tâm trí chúng ta, thì chú chó cũng phải nhìn thấy đó là một cây bút, chứ không phải là đồ chơi, thậm chí chúng có thể dùng để viết thư cho bạn gái chứ không phải là… gặm!

BÀI HỌC 4: KHÔNG PHẢI CỨ MONG CẦU LÀ CÓ KẾT QUẢ MÀ PHẢI TIẾN HÀNH GIEO HẠT

Mọi thứ xuất phát từ tâm trí chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là ta có thể chuyển cây bút ấy thành bất cứ thứ gì tôi muốn bằng mong ước, ngay trong hiện tại. Do đó, chúng ta cần phải tiến hành gieo trồng vào trong tâm trí cái “HẠT” (Nghiệp) để cho nó nảy mầm thông qua Hành động – Lời nói – Ý nghĩ. Chỉ khi thay đổi được “dấu ấn” trong tiềm thức chúng ta thì mới tạo ra kết quả như mong muốn.

Bạn thân mến,

Qua 4 bài học từ Câu chuyện Cây bút, bạn sẽ hiểu rằng, cái chuyện mà người khác mắng mình, nói xấu mình từ trước giờ, nó cũng chỉ là ” tính không”, chỉ là do mình đặt cảm xúc vào đó. Do tâm mình phóng chiếu ra mới thấy đó là điều không hay, không thích. Có hàng trăm anh/chị học viên đã được bừng tỉnh và vỡ òa khi nghe Câu chuyện Cây bút. Càng kể nhiều, càng nghe nhiều, họ lại càng thấm được những bài học trong đó.

Bài viết cùng danh mục